LÀM NGHỀ CONTENT TỪ CON SỐ 0 – KINH NGHIỆM CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
Theo HubSpot, 70% các doanh nghiệp kế hoạch tăng ngân sách cho content marketing trong năm 2023. Có tới 91% các doanh nghiệp B2B và 86% doanh nghiệp B2C đang sử dụng content marketing (Nguồn: Content Marketing Institute). Theo Databox, 87% các marketer cho biết SEO và content marketing là chiến lược quan trọng nhất cho chiến dịch marketing của họ. Những con số và thực tế trên đây chỉ là một phần nhỏ của bằng chứng cho thấy nghề làm content đang trở thành một trong những lĩnh vực “hot” và ngày càng quan trọng trong ngành marketing và truyền thông.
1, Nghề content là nghề gì?
Content là nội dung, nghề content là nghề làm nội dung. Nội dung được thể hiện dưới nhiều hình thức như dạng: Text, ảnh, video, audio. Chính vì vậy, người làm nghề content sẽ tạo ra, biên tập ra các loại nội dung dưới 1 hoặc nhiều hình thức nhằm thu hút người đọc/người dùng. Công việc này đòi hỏi kỹ năng sáng tạo, viết lách, thậm chí là tương tác với cộng đồng hay hiểu biết về kỹ thuật SEO. Nghề làm Content có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng và lĩnh vực cụ thể. Ví dụ:
- Trong lĩnh vực truyền thông và Marketing, có nhiều vị trí công việc liên quan đến content như: Content Marketing, Copywriter, Content Strategist, Branding Content…
- Trong lĩnh vực Báo chí, có một số công việc liên quan đến content như: Nhà báo, ctv báo chí, biên tập viên…
- Trong lĩnh vực sách: Nhà văn, nhà thơ, người chấp bút, biên tập sách…
Nghề content hay còn gọi là nghề sáng tạo nội dung
2, Tiềm năng kiếm tiền từ nghề Content
Nghề content là nghề có tiềm năng phát triển vô cùng lớn. Từ nhiều thế kỷ trước, con người đã chú trọng đến việc xây dựng nội dung. Ở thời phong kiến đã có các vị trí như quan viết sử sách, người viết sách, viết truyện. Tới thời hiện đại, nội dung bắt đầu phổ biến và đa dạng hơn. Ta có thể bắt gặp những bài báo, những ấn phẩm truyền thông ở khắp nơi.
Khi làm nghề Content, bạn có thể tham gia lĩnh vực marketing để trở thành người sản xuất các ấn phẩm tiếp thị và truyền thông. Bạn cũng có thể trở thành tác giả sách, cộng tác viên báo chí hay nhà biên tập sách. Nếu không muốn làm thuê cho người khác, bạn có thể làm thuê cho chính mình và trở thành Content creator cho 1 Blog, xây dựng 1 kênh youtube, Tiktok hay bất kể kênh nào khác.
Xét về thu nhập, một người làm Content marketing trong các công ty truyền thông có thể đạt mức lương từ 10 triệu đến 20, 30 triệu một tháng tùy kinh nghiệm và năng lực. Một Youtuber có thể đạt doanh thu hơn 100 triệu 1 tháng nếu đạt nút bạc. Một Blogger có thể có được thu nhập thụ động hàng tháng nên đến 7000 đô. Thậm chí khi bạn sở hữu một kênh nội dung chất lượng với hàng nghìn đến hàng triệu người theo dõi thì còn có thu nhập từ quảng cáo, từ booking của nhãn hàng. Tiềm năng kiếm tiền khi làm nghề Content là không giới hạn nếu bạn có đủ sự sáng tạo, kỹ năng và kiên trì.
Nghề Content với tiềm năng kiếm tiền vô hạn
3, Làm nghề Content có cần bằng cấp không? Có cần giỏi viết không?
3.1, Làm nghề Content có cần bằng cấp không?
Không nhất thiết phải có bằng cấp chuyên ngành để làm nghề Content, bạn cũng không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp Đại Học mới được làm nghề Content. Tuy nhiên nếu bạn có bằng cấp liên quan đến lĩnh vực Báo chí, Truyền thông & Marketing có thể giúp bạn có lợi thế khi tìm việc và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này. Một số công việc content có thể yêu cầu bằng cấp hoặc kinh nghiệm cụ thể, trong khi các vị trí khác có thể tập trung nhiều vào kỹ năng và kinh nghiệm thực tế. Có rất nhiều minh chứng cho việc dù bạn là bất cứ ai cũng có thể tham gia lĩnh vực Content, tiêu biểu như:
- Michelle Phan: Làm việc trong ngành y học, sau đó, cô trở thành một beauty vlogger và makeup artist nổi tiếng trên YouTube. Kênh YouTube của Michelle Phan có hơn 8 triệu người đăng ký và cô đã trở thành một trong những beauty influencer hàng đầu trên mạng xã hội. Đây là kênh Youtube của cô:
https://www.youtube.com/user/michellephan
- Tim Ferriss: Trước khi trở thành tác giả và podcast host nổi tiếng, Tim Ferriss đã có quá trình làm việc trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Tim Ferriss nổi tiếng với cuốn sách “The 4 – Hour Workweek” và sau đó là những cuốn sách khác về chủ đề phát triển bản thân và kinh doanh. Anh cũng là host của podcast “The Tim Ferriss Show”, nơi anh chia sẻ về kỹ thuật làm việc thông minh và cuộc sống hiệu quả.
Tóm lại, dù bạn là ai, thuộc bất cứ ngành nghề nào, đến từ bất cứ nơi đâu – Miễn là bạn yêu thích nghề content thì đều có thể thử sức với công việc này.
Bất cứ ai cũng có thể thử sức với nghề content
3.2, Không giỏi viết thì có làm nghề content được không?
Bạn vẫn có thể làm nghề content với xuất phát điểm là một người không giỏi viết lách. Ngoài sử dụng con chữ, bạn vẫn có thể sáng tạo nội dung dưới dạng hình ảnh, video. Ngoài ra, kỹ năng viết lách có thể cải thiện nếu bạn chăm chỉ luyện tập và có sự cam kết. Có rất nhiều người xuất phát điểm không giỏi viết. Tuy nhiên bằng sự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, chăm chỉ đọc sách và viết lách mỗi ngày đã giúp họ phát triển lên 1 tầm cao mới. Vậy nên miễn là bạn muốn làm thì dù chưa giỏi viết cũng đừng ngại ngần mà tham gia.
4, Muốn làm nghề content cần bắt đầu từ đâu? Lộ trình phát triển cho người mới bắt đầu
Nghề content có tiềm năng kiếm tiền là vậy, người muốn làm trong nghề content cũng ngày một nhiều. Tuy nhiên hầu hết các bạn mới ngấp nghé ngưỡng cửa bước vào nghề còn chưa biết bắt đầu từ đâu. Nếu bạn cũng đang ở trong trường hợp này thì dưới đây sẽ là lộ trình phát triển trong nghề content dành cho bạn!
4.1, Hãy xác định xem mục tiêu cuộc sống của bạn là gì?
Tại sao muốn làm nghề content lại phải xác định mục tiêu cuộc sống? Nhiều bạn tưởng rằng đây là điều chẳng liên quan, tuy nhiên mình lại nhìn nhận khác. Một người biết được mục tiêu của bản thân sẽ định hình được con đường mà họ muốn lựa chọn. Ví dụ, nếu bạn là người yêu thích làm công việc văn phòng, thích ngày ngày trưng diện và xách túi tới nơi làm việc thì bạn sẽ xây dựng kế hoạch để làm việc trong các công ty có kỳ vọng thăng tiến cao. Mặt khác nếu bạn là người yêu tự do, không thích bị quản thúc hay phụ thuộc vào ai thì bạn có thể theo đuổi con đường freelancer. Vậy là tùy theo mục đích mà bạn theo đuổi, bạn sẽ trở thành 1 content writer, copywriter, tiktoker trong các công ty hay tự gây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Mỗi con đường mà bạn lựa chọn sẽ có cách đi khác nhau và lộ trình khác nhau.
4.2, Thử xem mình có hợp với nghề này không?
Cách đơn giản nhất để thử xem mình có hợp với nghề content hay không đó là hãy viết đi, hãy sáng tạo đi. Nghề content là 1 người hấp dẫn nhưng tỉ lệ đào thải rất cao. Rất nhiều người tham gia lĩnh vực này nhưng chỉ có một số ít đi lâu và đi xa với nghề. Nếu bạn muốn truyền tải nội dung bằng con chữ thì hãy viết ngay trên trang Facebook cá nhân. Bạn cũng có thể kết hợp với việc thiết kế hình ảnh và video để kể những câu chuyện mà mình muốn. Nếu những việc này đều là việc mà bạn yêu thích và có thể làm thường xuyên thì đây chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn phù hợp để làm trong nghề content. Cách thứ hai là hãy tham gia vị trí thực tập tại các công ty hoặc Agency. Tại đây bạn sẽ được trải nghiệm, được học hỏi và đúc rút ra kinh nghiệm. Bạn cũng sẽ biết bản thân phù hợp với ngách nào trong nghề sáng tạo nội dung. Bạn cũng có thể tham gia làm cộng tác viên cho các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ viết content để được training.
4.3, Xây dựng CV hấp dẫn
Dù bạn quyết định đi làm Full time hay làm freelancer thì bạn cũng cần một bản CV hấp dẫn. Hãy ghi cụ thể những kinh nghiệm mà bạn có, những thế mạnh mà bạn sở hữu. Hãy tập hợp những ấn phẩm nội dung tốt nhất mà bạn đã thực hiện để làm demo. Đối với các bạn muốn làm freelancer, hãy cứ đi làm Full time một thời gian để học hỏi. Khi đã nắm được các kiến thức nền tảng và có một số kinh nghiệm nhất định thì hãy ra làm tự do. Riêng với các bạn làm content Creator thì sự thành công của kênh mà bạn đang xây dựng chính là một bản CV uy tín hơn bao giờ hết.
Hãy luôn nâng cấp kỹ năng viết content mỗi ngày
4.4, Update, nâng cấp kỹ năng, xây dựng thương hiệu cá nhân
Nếu bạn muốn thăng tiến trong công ty thì bạn cần nâng cấp kỹ năng mỗi ngày. Từ việc chỉ viết nội dung, bạn hãy nghĩ đến việc xây dựng kế hoạch nội dung hay xây dựng chiến lược nội dung dài hạn. Hãy từ Intern, Junior phát triển lên Leader, Manager hoặc Director. Nếu như bạn muốn làm freelancer thì hãy chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân và xây dựng cộng đồng cho riêng mình. Ngoài kỹ năng chuyên môn uy tín cá nhân chính là lý do khiến khách hàng tìm đến bạn.
4.5, Xây dựng bảng giá dịch vụ và đóng gói kỹ năng chuyên môn
Nếu bạn lựa chọn làm fulltime tại các công ty thì có thể bỏ qua phần này. Tuy nhiên, nếu bạn muốn làm việc dưới hình thức Freelancer và gia tăng thu nhập thì kinh doanh chuyên môn là điều bạn nên hướng tới. Để kinh doanh chuyên môn, bạn cần hiểu rõ bản thân mình: Biết bản thân có gì, thị trường nhu cầu ra sao, khả năng cung cấp dịch vụ của bạn như thế nào để có kế hoạch đóng gói chuyên môn của bạn. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ này, bạn cần có kỹ năng chuyên môn, cần lấp đầy những điểm yếu và có một chiến lược thông minh. Ngoài ra, sự cam kết, lòng kiên trì, niềm tin dám phá vỡ giới hạn của bản thân sẽ là thứ giúp bạn đạt được thành tựu mà bản thân không bao giờ ngờ tới.
5, Các công cụ, kỹ năng, phần mềm cần thiết cho việc tạo nội dung
Để xây dựng nội dung thì thứ cơ bản nhất mà bạn cần đó là một chiếc máy tính hoặc điện thoại. Ngoài việc sáng tạo nội dung dưới dạng văn bản, bạn cần học thêm kỹ năng làm ảnh và video:
- Phần mềm hỗ trợ làm video đơn giản nhất và dễ sử dụng nhất chính là Capcut.
- Phần mềm hỗ trợ thiết kế ảnh, làm slide, banner… phải kể đến Canva. Chuyên nghiệp hơn có thể sử dụng các phần mềm thiết kế đồ họa.
- Một số công cụ hỗ trợ làm video như: Background, đèn trợ sáng, máy quay, mic thu âm…
- Một số công cụ giúp đo lường và đánh giá kết quả trong quá trình làm nội dung như: Google Analytics, công cụ KPI tích hợp sẵn trên các nền tảng xã hội.
- Công cụ hỗ trợ tìm kiếm từ khóa để viết bài chuẩn SEO như: Google Keyword Planner.
- Công cụ tìm nội dung đang xu hướng như: Google Trends.
Nhìn chung, tiềm năng công việc liên quan đến nghề content còn rất lớn. Tuy nhiên, để bám đuổi với nghề và tạo ra thu nhập hơn mức nuôi sống bản thân thì bạn cần liên tục nâng cấp kỹ năng xây dựng một lộ trình phù hợp. Nếu bạn cần trang bị thêm kiến thức và kỹ năng, cần người đồng hành trên chặng đường phát triển trong nghề content thì hãy để Nội Dung Xanh giúp bạn. Hãy follow mình để nhận thông báo sớm từ những bài viết mới nhất nhé!
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích thì có thể donate cho mình. Bất kể con số nào đều có ý nghĩa. Cảm ơn bạn!